
Thông tin sản phẩm
Thành phần
Thuốc AlphaDHG 4200 có thành phần chính như sau:
Hoạt chất chính: Chymotrypsin 21 microkatals
Tá dược: lượng tá dược vừa đủ cho 1 viên
Cơ chế tác dụng thuốc AlphaDHG 4200
Alphadhg có tác dụng gì? Thành phần chính của Alphadhg là Chymotrypsin. Chymotrypsin là một dạng men thủy phân protein chiết xuất từ Chymotrypsinogen ở dịch tụy bò. Tác dụng chống viêm, phù nề do Chymotrypsin ngăn chặn tổn thương mô và ngăn chặn quá trình hình thành sợi tơ huyết tham gia vào quá trình tiêu sợi tơ huyết. Khi cơ thể gặp các chấn thương, tổn thương mô mềm thì sợi tơ huyết hình thành bao phủ quanh chỗ viêm gây tắc mạch máu và mạch bạch huyết gây nên phù nề chỗ viêm.
Dược động học
Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về dược động học của quá trình sử dụng thuốc AlphaDHG trên cơ thể người.
Công dụng – Chỉ định của thuốc AlphaDHG 4200
Alpha DHG Chymotrypsin có công dụng chống viêm hiệu quả trong các trường hợp bị chấn thương, tai nạn, các vết bỏng, da bị tổn thương sưng viêm, tổn thương các mô mềm cơ thể, loãng dịch tiết đường hô hấp được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Người bị chấn thương tụ máu, phù nề
- Người bị tai nạn, bị bỏng loét
- Người bị tổn thương các mô mềm, da
- Bệnh nhân mới thực hiện phẫu thuật
- Người bị viêm đường hô hấp trên: viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản
Cách dùng – Liều dùng thuốc AlphaDHG 4200
Liều dùng
Người lớn: Ngày dùng 3 – 4 lần. Mỗi lần 1 – 2 viên tùy thuộc vào mức độ viêm. Khi sử dụng thuốc AlphaDHG 4200 cho trẻ em cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
Cách dùng
Trước khi dùng thuốc phải vệ sinh tay sạch sẽ sau đó đặt viên thuốc dưới lưỡi cho thuốc tự tan ra. Chú ý nên ngậm thuốc vào thời điểm không ăn hay uống để tránh làm ảnh hưởng đến quá trình giải phóng của chất.
Chống chỉ định
Chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với Chymotrypsin và các thành phần tá dược có trong thuốc
- Phụ nữ đang mang thai và người cho con bú
- Người bị bệnh phổi mãn tính
- Người mắc hội chứng thận hư
- Người bị chứng khí phế thủng
Tác dụng phụ của thuốc
Tác dụng phụ thường gặp: Thường gặp các ảnh hưởng liên quan đến mắt như: tăng nhãn áp, phù nề mắt..
Tác dụng phụ ít gặp hơn: dị ứng, nổi đỏ, mày đay, ngứa có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.